Di tích Nhà Vương ở Hà Giang
Di tích nhà Vương ở cao nguyên Đồng Văn thuộc tỉnh miền núi Hà Giang là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng từ nhiều năm nay.Vào thế kỷ 20, dinh thự cả trăm năm tuổi này từng là nhà của một gia tộc có ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn bộ cư dân trong vùng. Nó cũng đã được chính phủ công nhận là di sản văn hóa quốc gia năm 1993. Được xây dựng vào năm 1914, dinh thự này đã trãi qua 2 cuộc chiến tranh lớn: Cuộc chiến chống thực dân Pháp và chống Đế quốc Mỹ. Nhà Vương còn được coi là biểu tượng về những vinh quang trong quá khứ của người H'mông. Trong thực tế, dinh thự này thường được dân địa phương gọi là Lâu đài của Vua Mèo và được người dân tộc H'mông tôn kính. Người đứng đầu gia tộc họ Vương lúc bấy giờ là Vương Chính Đức. Ông cai quản nơi này từ năm 1865 đến năm 1947 và đế chế của ông đã được trải dài từ cao nguyên Đồng Văn đến thị trấn Mèo Vạc. Với việc sản xuất và buôn thuốc phiện số lượng lớn qua biên giới, vua Mèo Vương Chính Đức đã trở thành người giàu nhất và có thế lực lớn trong vùng. Ông đã xây dựng khu dinh thự nhà Vương nhằm khẳng định vai trò cũng uy quyền của mình. Ngôi nhà được xây dựng tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn theo lối kiến trúc của Trung Quốc với diện tích 1.120 mét vuông và được bao quanh bởi 700 cây cổ thụ. 200 thợ xây dựng có tay nghề cao từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc (giáp biên giới Việt Nam) đã phải mất tám năm mới hoàn thành được dinh thự này. Nơi này đã trở thành nơi cơ ngụ cho Vua Mèo, 3 bà vợ và 4 đứa con trai của ông. Để xây dựng nên dinh thự này, Vua Mèo đã tiêu tốn khoảng 150.000 đồng bạc trắng, tương đương 150 tỷ đồng (7,5 triệu USD) ngày nay. Lâu đài Vua Mèo (tên gọi khác của nhà Vương) trông rất giống các cung điện thời nhà Thanh ở Trung Quốc cách đây ba, bốn thế kỷ. Ngôi nhà có kết cấu kiến trúc gồm hai tầng với vật liệu để xây dựng nhà là các loại đá, gỗ quý , nền nhà bằng đất, lợp ngói âm dương. Hiện nay, trong phòng khách của dinh thự vẫn còn lưu giữ tấm hoành phi do vua Nguyễn trao tặng ghi bốn chữ “Biên chinh khả phong” bằng tiếng Trung. Tất cả 64 phòng của cung điện đều được chạm trổ hình rồng, phượng, dơi nhằm biểu thị sức mạnh, quyền uy và sự thịnh vượng của nhà Vương. Nhà Vương còn được mệnh danh là “lâu đài thuốc phiện” bởi vì toàn bộ các phiến đá hay gỗ trong này đều được chạm khắc các họa tiết như hoa hay quả cây thuốc phiện. Thực tế, các hầm ngầm ở phía bên trái của ngôi nhà được thiết kế với mục đích để trữ thuốc phiện. Những hầm khác thì được sử dụng để dự trữ thực phẩm và vũ khí. Trong sân sau của nhà Vương có một bồn tắm bằng đá hình bán nguyệt. Đây là nơi mà người vợ đầu tiên của Vương Chính Đức thường dùng để tắm sữa dê. Theo truyền thuyết địa phương, Vua Mèo (Vương Chính Đức) bắt các quan lại dưới quyền tiến cống dê hàng tháng để lấy sữa cho vợ ông tắm. Khuôn viên khu dinh thự rộng rãi và vô cùng thoáng đoãng, được họ Vương trồng đủcác loại cây ăn quả như lê, đào, mận… Sau khi Mèo đệ nhất là Vương Chính Đức mất đi vào năm 1947, người con trai thứ hai của ông là Vương Chí Sình (vua Mèo đệ nhị) đã đứng ra tiếp tục chèo lái sự nghiệp nhà họ Vương cũng như dành cả cuộc đời còn lại của mình để chiến đấu chống Pháp. Hiện nay, các hậu duệ của họ Vương vẫn còn sinh sống ở các khu vực lân cận. Họ chăm sóc ngôi nhà và làm hướng dẫn viên cho các du khách muốn biết về lịch sử nhà Vương.