Chè - Món ăn dân dã đến từ những gánh hàng rong
Chè là một món ăn tráng miệng rất phổ biến của người Việt Nam. Đa phần các món ăn có vị ngọt được nấu dạng lỏng hay đặc đều được xem là chè. Món chè ở Việt Nam rất phong phú về chủng loại. Không chỉ thế, thực khách còn tìm thấy sự đa dạng trong cách thưởng thức món chè. Chè có thể được dùng nóng hay lạnh, đựng trong chén hay ly, có thể ăn kèm với đá, hoặc được làm với bánh bột bọc nhân, với khoai tây hay bất kì nguyên liệu nào mà bạn cảm thấy phù hợp. Mỗi loại chè được đặt tên bằng cách thêm một từ hay cụm từ cho biết thành phần chính của nó sau từ “chè” ví dụ như chè đậu, chè sắn bột hay chè củ năng. Tuy nhiên gần như không thể liệt kê hết tên của tất cả các loại chè bởi có vô vàn cách pha trộn và kết hợp các nguyên liệu để nấu. Vì thế có vô số loại chè với tên gọi khác nhau. Mặc dù khi nói đến chè, người ta thường hiểu đó là chè đậu đỏ, nhưng bằng khả năng sáng tạo của mình, những người nấu món ăn này đã khéo léo tạo ra nhiều sự kết hợp mới lạ, để tăng thêm độ phong phú cho món tráng miệng này bằng cách sử dụng đậu xanh, đậu ngự, đậu ván, đậu đen, đậu đỏ, và nhiều loại đậu khác. Ngoài việc các món chè được gọi theo nhiều tên khác nhau tùy theo mỗi vùng miền ở Việt Nam thì người dân ở mỗi vùng miền cũng có phương thức nấu chè riêng biệt đặc trưng cho vùng đó.
Thông thường, món Chè thường được chế biến từ các loại đậu, có thể cho thêm gạo nếp, đun sôi đến khi chín rồi cho thêm đường để dậy lên vị ngọt. Bột sắn, muối và lá dứa cũng được xem là thành phần cần thiết để tạo nên mùi vị đặc trưng rất riêng của món chè. Ở miền Nam Việt Nam , chè thường được ăn kèm với nước cốt dừa, Còn ở khu vực miền Bắc, món chè phổ biến phải kể đến là chè ngô (ngô là nguyên liệu chính) và chè con ong (một sự kết hợp hoàn hảo của gạo nếp, gừng, mật ong và mật mía tạo nên một chén chè thanh ngọt đậm đà không lẫn vào đâu được)
Chỉ với 4000 đồng, chè là sự lựa chọn tuyệt vời giúp giải tỏa cơn khát và cơn đói tức thì nhờ hương vị thơm ngon, giàu dinh dưỡng và thanh mát của chén chè. Chè được bày bán phổ biến ở các hàng quán vỉa hè, gánh hàng rong và các quán ăn vặt ven đường. Thật đáng tiếc nếu sống ở thành phố Hồ Chí Minh mà bạn không biết đâu là quán chè ngon nhất. Dù cho thành phố này có rộng lớn đến đâu, đường phố đông đúc như thế nào đi chăng nữa thì thực khách vẫn tìm đến một quán nhỏ nằm ở góc đường Cống Quỳnh và Cao Bá Nhạ ở quận 1 để thưởng thức món chè của cô Thanh, người phụ nữ 50 tuổi đã gắn bó với nghề này trong suốt 30 năm.
Quả thật như vậy, trong suốt 30 năm, như một thói quen, đêm nào trước khi đi ngủ cô Thanh cũng ngâm đậu và gạo nếp và thức dậy từ lúc 3 giờ sáng để đun nước, sau đó chế biến các loại đậu cùng các nguyên liệu khác thành những nồi chè thơm ngon. Đến 9 giờ sáng, cô Thanh tất bật chuẩn bị mọi thứ cần thiết như bàn ghế, xô nước, ly chén rồi đẩy chiếc xe quen thuộc của mình đến góc phố nhỏ. Sau đó cô bày biện các nồi chè nếp dẻo thơm ngon cùng với nồi nước cốt dừa sánh mịn để bán vào lúc 11 giờ. Chỉ một lát sau, những bát chè thập cẩm thơm ngon, bắt mắt bởi sự pha trộn của nhiều màu sắc khác nhau được cô kết hợp một cách khéo léo. Đôi tay cô thoăn thoắt múc từng nồi chè như cách cô vẫn thường làm, từ nồi khoai môn được cắt hạt lựu cho đến nồi khoai lang rồi cuối cùng là múc nước cốt dừa rưới lên trên bát chè.
Cứ như vậy, cô bán mãi cho đến tận chiều và hầu như không có thời gian nghỉ tay, mới 4h chiều mà nồi chè đã hết sạch. Hôm nào cô cũng bán hết chè vì ai cũng muốn thưởng thức những chén chè thơm ngon được nấu trong ngày. Vậy thì từ đâu mà cô có thể duy trì việc bán chè trong một thời gian dài đến vậy? Có lẽ với tay nghề hơn 30 năm, và đều đặn 7 ngày trong tuần cũng là thời gian đủ dài để cô có được sự khéo léo và thuần thục để làm nên món ăn đặc sắc này. Chính sự bền bỉ này đã khiến công việc mà cô đã gắn bó hàng chục năm trời trở nên nhẹ nhàng hơn. Một ngày làm việc của cô Thanh khép lại vào lúc 9 giờ tối, thời điểm cô được nghỉ ngơi sau một ngày dài bận rộn.
Trước đây, cô Thanh đã từng bán nhiều loại chè thơm ngon với nhiều hương vị khác nhau. Nhưng qua thời gian, dần dà cô chỉ còn gắn bó với năm loại chè, ăn kèm với cốt nước dừa thơm ngon sánh mịn vốn xưa nay đều được bán rất chạy. Chè khoai là sự kết hợp giữa khoai môn tím được thái miếng vuông và xôi nếp dẻo nấu nhừ. Chè táo xọn hấp dẫn lại là sự kết hợp giữa vị béo của nước cốt dừa, vị ngọt bùi của đậu lăng, và mùi thơm của đậu xanh hoà quyện với bột năng sền sệt. Chè bắp là món ăn dân dã nhưng ngon miệng với hương vị thơm ngọt dẻo mềm của bắp non. Chè bà ba thì rất tuyệt, vị béo của nước cốt dừa được hòa quyện với vị bùi bùi của khoai lang, củ sắn, và một ít đậu phộng được rắc ở trên cùng trông thật bắt mắt.
Cô Thanh vẫn còn nhớ như in con đường Cống Quỳnh dù nơi này bây giờ đã khác đi rất nhiều so với ngày xưa. Theo cô thì khoảng 70% các hộ gia đình từng sống ở đây đã bán nhà và chuyển đi nơi khác. Những căn nhà nhỏ lụp xụp quanh góc phố này trước đây nay đã khang trang hơn. Thế nhưng cô cùng gánh chè của mình vẫn còn đó dẫu bao năm tháng trôi qua. Và hương vị chè dân dã mộc mạc của cô vẫn luôn khiến bao người phải khao khát kiếm tìm để thưởng thức.