Lăng Khải Định
Trị vì từ năm 1916 đến năm 1925, vua Khải Định đã chọn triền núi Châu Chữ cách Huế 10 km để xây dựng lăng tẩm cho mình. Lăng được khởi công vào năm 1920 và kéo dài 11 năm mới hoàn thành. Công trình kiến trúc của lăng mộ này bị chỉ trích nhiều nhất trong số các lăng mộ của các vua triều Nguyễn. Kiến trúc lăng mộ này là bê tông cốt thép trộn với xi-măng, là sự giao thoa các yếu tố nghệ thuật giữa Việt Nam với các nước phương Tây. Công trình này có thể được xem là một sự sáng tạo trong phong cách kiến trúc mới, nhưng cũng có thể xem là dấu hiệu của sự suy tàn văn hoá Việt Nam thời thuộc địa, điều này tuỳ thuộc vào quan điểm và cách nhìn nhận ở mỗi người.
So với lăng mộ của các vị Vua trước, lăng Khải Định có diện tích nhỏ hơn nhiều. Tổng thể của lăng là một khối nổi có cấu trúc hình chữ nhật vươn cao tới 127 bậc. Vào lăng phải vượt qua 37 bậc với thành bậc được chạm trổ hình rồng. Vượt thêm 30 bậc nữa là lên tầng sân bái đình, ở giữa có nhà bia bát giác được xây dựng bằng bê tông cốt thép. Hai bên sân, mỗi bên có hai hàng tượng cùng nhìn vào giữa sân. Các tượng lính túc vệ cũng được sắp xếp tương tự. Những tượng này không phải làm bằng bê tông mà bằng chất liệu đá hiếm.
Qua một tầng nữa là đến điện thờ. Điện Khải Thành với lối kiến trúc nghệ thuật cao, là phòng chính của cung Thiên Định, có nhiều phòng nối liền nhau. Các điện tường phẳng được trang trí dày đặc bằng nghệ thuật khảm kính sứ công phu - có thể sánh với phong cách nghệ thuật Rokkoko. Dưới nền lát gạch men hoa tao nhã, trên trần vẽ cửu long ẩn hiện trong mây. Phòng sau của điện Khải Thành là chính tẩm, bên trong đặt tượng vua Khải Định, mộ phần ở phía dưới điện thờ. Đặc điểm đáng chú ý nhất của lăng tẩm này là những phù điêu ghép bằng sành sứ và thuỷ tinh, một tuyệt tác nghệ thuật của các nghệ nhân Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 20. (Mức phí vào cổng là 55000 đồng).