Phong tục ngày Tết
Tết Nguyên Đán là dịp lễ thiêng liêng đối với toàn thể dân tộc Việt Nam. Tết đến mang theo niềm vui hân hoan đón chào một mùa xuân, những buổi sum họp gia đình ấm cúng cùng với những phong tục văn hóa cổ truyền chỉ đặc biệt xuất hiện trong dịp này. Đầu tiên phải kể đến tập tục “xông đất”. Xông đất là tục lệ lâu đời của người Việt mỗi dịp Tết đến và được tất cả các gia đình coi trọng. Giờ xông đất bắt đầu từ sau giao thừa trở đi, khi tiếng chuông báo hiệu năm cũ đã qua, năm mới đến. Tính từ thời điểm này, bất cứ người nào bước từ ngoài vào nhà với lời chúc năm mới được coi là đã xông đất cho gia chủ. Theo giáo sư sử học Lê Văn Lan, tục xông đất đầu năm có ý nghĩa rất lớn với người Việt. Người ta tin rằng việc xông nhà, xông đất có ảnh hưởng sâu sắc đến tiền tài, danh vọng của gia chủ trong cả năm đó. Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà quan trọng. Cho nên cứ cuối năm, Và trong những ngày giáp Tết, gia chủ sẽ tìm người bạn bè nào “nhẹ vía” và hợp tuổi với chủ nhà để nhờ xông đất. Cũng có khi không tìm được ai, chủ nhà sẽ tự mình xông nhà cho chính họ. Chẳng ai biết tập tục lì xì có tự bao giờ nhưng cho đến nay, nhưng mỗi khi xuân về tết đến thì không ai có thể quên được phong tục đẹp, mang nhiều ý nghĩa này. “Lì xì” là những phong bao màu đỏ bên trong chứa tiền mới, gọi là tiền may mắn dùng để cho con cháu mừng tuổi ông bà, cầu chúc cho các cụ quanh năm mạnh khỏe. Ngược lại, con cháu nhận bao lì xì từ cha mẹ, ông bà với lời chúc thêm tuổi mới, may mắn và hạnh phúc trong cả năm. Mặc dù Tết Nguyên Đán còn nhiều phong tục cổ truyền quan trọng khác nhưng “lì xì” vẫn chiếm vị trí lớn trong sinh hoạt của mỗi người Việt vào các ngày xuân. Đó là nét truyền thống quý báu cần được duy trì và giữ gìn trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Đi lễ chùa đầu năm là một phong tục tín ngưỡng có từ lâu nay và đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Vào sáng sớm tinh mơ của những ngày xuân, dòng người hành hương thập phương nô nức đổ về các đền chùa lớn ở Hà Nội như Phủ Tây Hồ, Trấn Quốc, Ngọc Sơn hay Quán Thánh để cầu xin mọi điều tốt đẹp cho mình và người thân. Phủ Tây Hồ - một trong những nơi được coi là linh thiêng nhất của Hà Nội vẫn luôn là điểm thu hút rất đông người dân địa phương và cả du khách nước ngoài đến cầu phúc đầu năm mới. Nửa đầu tháng giêng âm lịch luôn là thời gian tốt nhất để phật tử và các du khách thập phương hành hương đến các chùa miếu, các chốn linh thiêng để chiêm bái, cầu mong chư phật chở che một năm mới an lành, nhiều may mắn. Đây cũng là thời điểm kinh doanh tốt nhất cho các mặt hàng hoa quả, đồ cúng dường cũng như các hàng quán phục vụ ăn uống du khách trên đường hành hương.