Hát Chèo - Nghệ thuật sân khấu dân gian Vệt Nam
Chèo là một môn nghệ thuật sân khấu dân gian có ảnh hưởng rất sâu rộng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân lao động vùng đồng bằng Bắc Bộ và thường được biểu diễn trong các lễ hội. Chèo là loại hình sân khấu kịch hát đậm đà tính dân tộc, với sự kết hợp nhuần nhuyễn của hàng loạt yếu tố: hát, múa, nhạc, kịch vô cùng độc đáo. Những câu chuyện cổ tích, truyện Nôm mang giá trị hiện thực và tư tưởng sâu sắc đi kèm các bài học đạo đức như sự hiếu thuận, kính trên nhường dưới, lòng trung thành, dũng cảm và các chân lý, lẽ phải chính là những đề tài thường được khai thác trong các vở chèo. Ca vũ nhạc trong chèo thường lấy từ dân ca dân vũ; lời thơ chủ yếu là thơ dân gian. Do nội dung của các vở chèo thường tập trung vào đề tài châm biếm các thói hư tật xấu cũng như phản ánh sự bất công trong xã hội nên chúng không được phép biểu diễn trong hoàng cung mà chỉ dành cho các tầng lớp bình dân.
Không giống nghệ thuật tuồng chỉ dành ca tụng hành động anh hùng của các giới quyền quý, chèo còn miêu tả cuộc sống bình dị của người dân nông thôn. Tuy nhiên, chèo cũng giống tuồng ở chỗ nhân vật trong chèo thường mang tính ước lệ, chuẩn hóa và rập khuôn. Tính cách của các nhân vật trong chèo thường không thay đổi trong chính vai diễn đó (thường là anh hùng, tên hề, thầy đồ…). Làn điệu và phong cách biểu diễn của Chèo cũng thường nhẹ nhàng hơn. Chèo sử dụng ngôn từ bình dân, đi kèm với các câu đố, ca dao, tục ngữ để dễ dàng tạo nên mối liên kết, đồng cảm giữa người biễu diễn và khán giả. Mỗi phân cảnh trong chèo đều có kèm theo một bài hát. Chèo sử dụng tối thiểu là ba loại nhạc cụ dây là đàn nguyệt, đàn nhị và đàn bầu đồng thời thêm cả sáo nữa. Ngoài ra, các nhạc công còn sử dụng thêm trống và chũm chọe. Bộ gõ nếu đầy đủ thì có trống cái, trống con, trống cơm, thanh la, mõ. Trống con dùng để giữ nhịp cho hát, cho múa và đệm cho câu hát.
Các vở chèo thường tập trung vào các câu chuyện lãng mạn hay đầy bi kịch. Tuy nhiên, cho dù vở diễn có nội dung bi hay hài thì đều có một nhân vật không bao giờ vắng bóng, đó chính là anh hề. Những anh hề được phép chế nhạo thoải mái, đi liền với các hành động khoa trương, thiếu trung thực nhằm đem lại tiếng cười cho câu chuyện đồng thời cũng như tăng thêm yếu tố châm biếm sâu cay. Theo đó, các khán giả sẽ bị cuốn theo tình tiết của câu chuyện với nhiều cung bậc cảm xúc, có khi không thể nhịn cười nhưng cũng có khi không kìm được nước mắt vì thương cảm cho số phận của nhân vật.
Chèo là một trong những loại hình nghệ thuật sân khấu cổ nhất ở Việt Nam nhưng nó lại có thể tạo ra sự đồng cảm và gắn kết với các khán giả hiện đại một cách dễ dàng nhờ biết cách kết hợp khéo léo giữa những câu chuyện hiện tại với các làn điệu truyền thống. Chính vì thế, bộ môn nghệ thuật này đang được hồi sinh và ngày càng phổ biến không chỉ với người Việt mà còn với cộng đồng Việt Kiều đang sinh sống và làm ăn ở nước ngoài. Chèo cũng là một trong số những loại hình nghệ thuật dân tộc Việt Nam gây ấn tượng mạnh với các du khách nước ngoài.